Làm gì để Du lịch Hậu Giang phát triển?

Làm gì để Du lịch Hậu Giang phát triển?
Ngày đăng: 11/09/2021 09:36 PM

    Từ những thập niên 80,90 của thế kỷ 20, du khách quốc tế đã vô cùng thích thú khi đi tham quan chợ nổi Phụng Hiệp và chợ nổi Phụng Hiệp đã trở thành thương hiệu du lịch độc đáo của Đồng bằng sông Cửu Long và là điểm đến không thể thiếu của hành trình tour Mê Kông suốt hàng chục năm. Đối với người Nam Bộ vẫn ngân nga câu  “Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy “ thì ngay từ thời internet chưa phát triển, Hậu Giang và chợ nổi đã đi vào lòng người qua bài “Tình anh bán chiếu “ –“ bản vọng cổ vua “ được NSND Viễn Châu sáng tác vào năm 1959 và nổi tiếng qua giọng ca của NSND Út Trà Ôn.

    Tuy nhiên, từ khi chợ nổi Ngã Bảy không còn đông vui, sầm uất như xưa do cư dân sông nước ngay ngã bảy vì nhiều lý do đã di chuyển sang các chợ nổi khác như chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), hoặc ngược lên Trà Ôn (Vĩnh Long), thậm chí lên tận Cái Bè - Tiền Giang...thì khách du lịch cũng dần dần thay đổi điểm đến các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long khác mặc dù Hậu Giang vẫn được đánh giá là một tỉnh giàu tiềm năng du lịch.

    Hậu Giang có khí hậu ôn hòa, đất đai phì nhiêu, sông ngòi chằng chịt, phong cảnh sông nước, vườn tược, ruộng lúa hữu tình.Văn hóa nơi đây đa dạng, phong phú về tín ngưỡng, phong tục, tập quán do có nhiều cộng đồng các dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer…cùng sinh sống. Cư dân miền Hậu Giang sáng tạo, cần cù, hiền hòa và giàu lòng mến khách. Hậu Giang còn có nhiều di tích cách mạng  ghi dấu chiến công vang dội như: Di tích cấp Quốc gia Chiến thắng Chương Thiện, Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, di tích lịch sử Chiến thắng Cái Sình, di tích lịch sử chiến thắng Tầm Vu…Hậu Giang được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật như: Khóm Cầu Đúc, Bưởi năm roi Phú Hữu, quýt đường Long Trị và ẩm thực hấp dẫn, nhất là các món ăn được chế biến từ cá thát lát. Ngoài ra, Hậu Giang còn có Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng qúy giá với hệ sinh thái vùng ngập nước. Có nhiều lợi thế như vậy nhưng  du lịch Hậu Giang chưa thật sự cất cánh.

    Ảnh: Lý Anh Lam.

    Bên cạnh việc  xây dựng cơ sở hạ tầng cho du lịch tại điểm đến, lưu trú, nhà hàng; hoàn thiện giao thông nội vùng và liên vùng; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, việc làm trước mắt và ưu tiên số một là Hậu Giang nên tập trung nghiên cứu và xây dựng cho dịa phương một số sản phẩm du lịch đặc trưng độc đáo và khác biệt so với các tỉnh khác của đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và so với các khu vực khác của Việt Nam nói chung. Với thế mạnh về nông nghiệp, không gian sinh thái xanh và các đặc sản, Hậu Giang có thể chọn phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp kết hợp với du lịch cộng đồng làm điểm nhấn bên cạnh các loại hình khác như du lịch văn hóa lịch sử, du lịch lễ hội. Các điểm đến du lịch sinh thái miệt vườn sông nước cần phải có cách làm khác biệt với các địa phương lân cận, không đi vào lối mòn như các khu du lịch, homestay cũ xây dựng thiếu chuyên nghiệp, thiếu độc đáo. Sản phẩm du lịch đường thủy tham quan chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp, kênh Xáng Xà No với các phương tiện như tàu tham quan, tàu nhà hàng, bến bãi khang trang, an toàn nên được tập trung xây dựng cũng như thiết kế các trải nghiệm dịch vụ đặc sắc. Mô hình du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia theo hình mẫu Cồn Sơn (Cần Thơ) và Cồn Chim (Trà Vinh)… cần được Hậu Giang khuyến khích cho các vùng có đặc sản nổi tiếng như vùng khóm Cầu Đúc (xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh), vùng quýt đường Long Trị (thị xã Long Mỹ) và điểm du lịch nông nghiệp tại xã Vị Thanh (huyện Vị Thủy). Các dự án như Dự án Khu du lịch sinh thái tại Trung tâm nông nghiệp Mùa Xuân, dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu, dự án Khu du lịch sinh thái Việt Úc nên chăng đầu tư theo hướng cao cấp để thu hút các du khách có thu nhập từ trung lưu trở lên do các thói quen và hành vi du lịch chắc chắn sẽ thay đổi sau đại dịch Covid -19 theo hướng bền vững, an toàn và bảo vệ môi trường. Riêng Khu bảo tồn thiên nhiên  Lung Ngọc Hoàng, nơi lưu giữ hàng ngàn loài sinh vật bản địa, động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ thế giới, nơi tái tạo các mẫu sinh cảnh cuối cùng còn sót lại của vùng đồng bằng ngập nước miền Tây sông Hậu là nguồn tài nguyên vô cùng quí giá để xây dựng các sản phẩm du lịch khám phá và giáo dục, nghiên cứu môi trường. Trên thế giới hiện nay không còn nhiều các khu sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng nên Lung Ngọc Hoàng cũng cần định hướng phát triển song song bảo tồn, qui hoạch rõ khu dịch vụ du lịch và khu gìn giữ nguyên vẹn tự nhiên để du khách khám phá theo từng cấp độ với chi phí cao dần.

    Ảnh: Lý Anh Lam.

    Việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù riêng có không thể chỉ theo ý kiến chủ quan của địa phương mà cũng cần có sự đóng góp, nghiên cứu của các chuyên gia du lịch cũng như liên kết với các doanh nghiệp lữ hành để trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, hợp tác quảng bá xúc tiến du lịch, kêu gọi đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn.

    Hậu Giang còn rất nhiều việc cần phải làm để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành du lịch của tỉnh nhà nhưng với các xu hướng du lịch xanh thời kỳ hậu Covid, chúng ta hoàn toàn có thể vững tin Hậu Giang sẽ trở thành điểm đến lý tưởng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai gần.

    Bài: Phan Yến Ly