Tôi có mấy người bạn trẻ ở Hà Nội. Họ đi nhiều, biết nhiều; dù kín tiếng. Rủ về Hậu Giang, họ bảo “Bọn em đến rồi, chẳng có gì. Khách sạn không ra khách sạn. Chợ nổi Phụng Hiệp xưa lừng lẫy, giờ chỉ còn hoài niệm. Có mỗi kênh Xà No nhưng bờ kè bê tông đồng phục, nhàm chán…”.
Nuốt cục đắng chặn họng, tôi từ tốn mời “Về Hậu Giang, tôi làm hướng dẫn viên, sẽ không thất vọng”. Dù biết tôi luôn có nhiều điểm đến mới lạ, họ nửa tin nửa ngờ nhưng vẫn tham gia. Tour chưa ai nghĩ tới, kể cả dân Hậu Giang. Bay từ Hà Nội vào Cần Thơ, đi xe về Hậu Giang, lang thang 4 ngày với cam kết “không hài lòng, hoàn lại tiền”.
Quốc lộ 61C, từ Cần Thơ đi Hậu Giang, đôi bờ mênh mông lúa, mùa vàng no mắt. Trưởng nhóm buột miệng “Ô là là” rồi ngẫu hứng “Tôi có người vợ trẻ đẹp như thơ. Tuổi mới đôi mươi cưới bữa dâng cờ. Má trắng mịn thơm thơm mùi lúa chín” (Yên Thao). Chỉ 41km mà có vài chục kênh đào thẳng tắp, ngộ nghĩnh tên gọi, từ Một Ngàn đến Mười Bốn Ngàn.
Đường đến Hậu Giang. Ảnh: Lý Anh Lam.
Cách 500 - 1.000m là có kênh. Có thị trấn và chợ cùng tên Một Ngàn, Bảy Ngàn. Vùng đất này được mệnh danh là Miệt Ngàn như trong bài hát “Lên ngàn” (Hoàng Việt). Tự điển tiếng Việt chưa có từ Miệt Ngàn. Khách lại “Ố là là…”. “Ngàn” ở miền Bắc là núi rừng trong “Vượt suối băng ngàn”, “Đại ngàn đá…”.
Hậu Giang (sông Hậu), người Khmer gọi là Bassac, phụ lưu sông Mekong, bắt nguồn từ ngã tư sông Bốn Mặt (Chaktomuk), trước Hoàng Cung Campuchia ở Phnom Penh. Là vùng trũng đồng bằng Cửu Long, mật độ kênh rạch lớn nhất Tây Nam bộ (1,5km/1km2). Hậu Giang chưa có tên trên bản đồ du lịch nội địa, nói chi quốc tế.
Checkin SOJO Hotel Hau Giang, khai trương cuối năm 2022, là hotel đầu tiên ở miền Nam thuộc chuỗi khách sạn tiện ích của Tập đoàn SOJO. Bài trí trẻ trung, bắt mắt. Quầy lễ tân đơn giản, hiện đại; khách tự kiểm tra, checkin, checkout, thanh toán điện tử. Có phòng gởi đồ, phòng chờ, phòng tập gym miễn phí. Phòng giặt giá hữu nghị, có bàn là khách tự ủi đồ…
Sảnh có ô ăn quan và vài trò chơi dân gian lạ mắt. Khách có thể mang theo thực phẩm, sử dụng tiện ích nhà bếp chế biến hoặc được hỗ trợ. Phòng nào cũng có tường kính, view rộng phố thị. Khách lại “Ố là là”, không ngờ Hậu Giang có khách sạn xịn xò, tiện ích đúng nghĩa. Mọi người thay đổi suy nghĩ về du lịch Hậu Giang và náo nức chờ những trải nghiệm mới.
Không gian SOJO Hotel Hau Giang. Ảnh: Do đơn vị cung cấp.
4 giờ sáng, khách được đánh thức. Sự khó chịu biến mất khi âm thanh và cuộc sống đường phố vọng vào. Những người dân quê lũ lượt, í ới gọi nhau về họp chợ với đủ phương tiện. Đi bộ, gánh gồng, xe đạp, xe gắn máy; như trẩy hội. Chợ không có sạp. Chủ, khách chồm hổm, thoải mái hỏi giá, hỏi đủ thứ không sợ lườm nguýt, đốt phong long. Sản vật làng quê, tươi rói. Nhiều thứ lạ như: củ từ hủi, cá lau kiếng tổ chảng. Chừng hơn 7 giờ, nắng lên là chợ tan, khách “Ố là là” tiếc nuối.
Đến thị xã Long Mỹ, khách lại “Ô là là” vì những đường hoa tự nhiên đẹp hơn tranh 3D. Nhiều nhất là cây trang. Có bông trang ngũ sắc, hàng rào bông trang 3 tầng (tam cấp) và cuộc thi đường hoa đẹp nhất, vườn nhà ấn tượng nhất…Selfie mỏi nhừ tay. Huyện Long Mỹ có chuyện cổ tích nông nghiệp “Gốc bình bát trổ trái mãng cầu”.
Bình bát (na biển), cùng họ mãng cầu xiêm, được xem là cây xâm lấn, phát triển mạnh vùng đầm lầy nước lợ, chịu mặn, rất sai quả. Trái chín vàng ươm, nhìn ngon mà ăn dở. Mãng cầu xiêm là cây ăn quả, giá trị kinh tế cao nhưng kén đất. Từ 1978, khi ở Thành Đoàn, tôi đã nghe chuyện thiếu nhi Sài Gòn làm kế hoạch nhỏ, bắt cây bình bát trổ trái mãng cầu bằng cách ghép nhánh.
Nông dân Long Mỹ làm kế hoạch lớn, ghép hàng mấy chục ha mãng cầu trên gốc cây bình bát, kiểu “Hồn mãng cầu, da bình bát”. Cả hai cộng sinh hòa hiếu, hoa trái trĩu cành, giúp người dân xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Trái mãng cầu bán tươi, làm mứt, làm mật, làm rượu… thành sản phẩm OCOP chất lượng. Đặc biệt, trà mãng cầu, thực phẩm chức năng cao cấp, sản xuất không kịp đơn hàng. Khách lại “Ố là là”, không ngờ cây dại được thuần hóa như phù thủy.
Hậu Giang có những điểm nông nghiệp tuần hoàn như doanh nghiệp tư nhân Hải Yến. Đầu tiên nuôi bò, chủ yếu lấy phân làm “nhà và thực phẩm” nuôi trùn quế. Trùn quế, thực phẩm chính nuôi lươn bán tự nhiên với mấy ha ruộng ngập cỏ. Mẹ lươn, tùy trọng lượng, đẻ từ vài trăm đến 1.000 trứng, bé tẹo, kết thành bọt trắng. Trứng lươn được gom vào “nhà” chăm sóc đặc biệt, dinh dưỡng riêng.
Mới nở, lươn con như sợi chỉ, dài chừng 1cm. Trưởng thành, có con nặng cả ký. Doanh nghiệp tận dụng đất nuôi trùn quế trồng dưa lưới, nuôi ong mật giúp thụ phấn hoa. Thân dưa già làm phân xanh hoặc thức ăn bò theo qui trình tuần hoàn khép kín. Mọi công đoạn đều được tính toán hợp lý, tiết kiệm để đạt hiệu quả cao nhất. Trang trại mà cứ ngỡ công viên. Khách lại “Ố là là”.
Đến Lung Ngọc Hoàng, khách liên tục “Ố là là” như cà lăm. “Lung”, phương ngữ Nam bộ, là vùng đất trũng; chưa có trong từ điển tiếng Việt. Chỉ Hậu Giang mới có Lung Ông Trời. Khách ngỡ ngàng gọi Lung Ngọc Hoàng là thủ phủ cây cà na. Hai bên đường vào khu bảo tồn, cà na rợp bóng xanh mát nao lòng. Dọc các bờ kênh, cà na áp đảo so với bình bát, dừa nước, tre, đọt choại…
Khu bảo tồn rộng 2.800ha với 330 loài thực vật (237 loài tự nhiên và 93 loài gây trồng) thuộc 224 chi, 92 họ, có 56 loài mới. Hệ ngập nước có tràm, bần, dừa nước, lau, sậy, bòng bong... Hệ đất cạn có cà na, gừa, xộp, trâm bầu, ô môi, ngái lông, mua, sắn… Bìa rừng là cây ăn trái như: dừa, mít, xoài, mãng cầu, đu đủ…
Động vật có 206 loài. Chim có le le, cò trắng, bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, cò lạo xám, ác là… Thú có chồn mực, cáo mèo, rái móng, dơi chó… Có 77 loài động vật thủy sinh như cá rô, lóc, bông, thát lát, trê trắng… và nhiều loài quý hiếm như rùa vàng, cua đinh, càng đước, ếch giun, cá còm… Rái cá lông mũi, rùa nắp, rắn hổ mang… là những loài lưỡng cư hiếm. Lung Ngọc Hoàng từng được mệnh danh là “vựa rắn” Tây Nam bộ.
Khu bảo tồn hoang sơ, chưa bị xâm hại. Tháp canh cao gần 20m, vững chải, có thể dựng lều, mắc võng vài chục người qua đêm. Cả Asean, không nơi nào lý tưởng hơn để hòa mình với thiên nhiên thật sự như vậy. Trekking, tắm rừng (shinrin yoku kiểu người Nhật), tự bắt cá, hái rau chế biến. Ngủ trên những thảm bông tràm trắng xóa, bồng bềnh tựa mây, hương thơm dịu ngát, đất trời lênh láng vàng trăng, thì “Ố là là” suốt đêm.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Ảnh: Trung Quân.
Khách còn “Ố là là” với nhà thờ cổ Vị Hưng (Vị Thanh), mái đao kiêu hãnh soi bóng dòng kênh Xà No (tiếng Khmer là cây điên điển) huyền thoại. Với chùa cổ Già Lam (chùa Con Ngựa, Ngã Bảy), có tượng Xích Thố của Quan Công, tạc từ 1964, giá 50 lượng vàng thời đó. Tượng sống động hơn cả ngựa thật, đôi mắt như biết nói. Chùa có 145 pho tượng tinh xảo và duy nhất thầy trụ trì, không có đệ tử. Buổi tối ra công viên Ánh sáng Kỳ quan Cổ đại, khách check – in mệt nghỉ, lại luôn miệng “Ố là là”.
Ẩm thực Hậu Giang “Ố là là” với củ hủ khóm Cầu Đúc, đổ bánh xèo, xáo măng vịt, lẩu gà đồng, trộn gỏi, xào thập cẩm… đều bá cháy. Các biến tấu với cá lau kiếng (cá tỳ bà); đọt choại (rau choại, chạy); sâm đất (kim thất); cá thát lát rút xương; củ từ cùi… đều ngon “bẻ rổ” (bổ rẻ). Các món dưa non, bánh xèo ngũ sắc, bánh xèo ong vò vẽ, canh rau ngót Nhật… ngon điếc mũi và nhiều sản phẩm OCOP không đụng hàng.
Bốn ngày ở Hậu Giang chỉ như cưỡi ngựa xem hoa. Còn nhiều điểm đến thú vị như thủ phủ trầu Việt (Vị Thủy), di tích Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam Bộ và làng đan (đương) cần xé (Ngã Bảy); vườn khóm lừng danh Cầu Đúc; các di tích lịch sử, cách mạng, các vườn cây trái hữu cơ globalgap… Đi cả tuần chưa hết trải nghiệm. Tỉnh đang nỗ lực phục hồi chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp, làm bản đồ Việt Nam và trái tim bằng cây lúa giữa ruộng…
Theo nhóm khách “Ố là là”, du lịch Hậu Giang chỉ thiếu cách làm hiệu quả. Hình như dân Hậu Giang chưa yêu quê mình đủ và có vẻ tự ti về tiềm năng du lịch Miệt Ngàn?
NGUYỄN VĂN MỸ ( Chủ tịch Lửa Việt Tours)