Ngày 09 tháng 11 năm 2023, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 1939/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Điểm du lịch Homestay Mương Đình. Ảnh: Toàn Nguyễn.
Đề án phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) với mục tiêu Hậu Giang sẽ trở thành điểm đến mới về du lịch cộng đồng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Khi nói về du lịch cộng đồng tại Hậu Giang, du khách sẽ ghi nhớ về những cộng đồng dân cư hào sảng, hồn hậu, hiếu khách; về các trải nghiệm đậm chất văn hóa Nam Bộ; sự phong phú ẩm thực; sự kết nối, hòa hợp với thiên nhiên, sông nước; các hoạt động và sản vật nông nghiệp.
Theo định hướng, Đề án phát triển du lịch cộng đồng Hậu Giang sẽ phát triển các nhóm sản phẩm du lịch phù hợp, gắn với cộng đồng như: Sản phẩm DLCĐ gắn với các công trình di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng nổi bật; Sản phẩm DLCĐ gắn với sinh thái nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nông thôn mới, làng nghề truyền thống; Sản phẩm DLCĐ gắn với ẩm thực đặc trưng; Sản phẩm DLCĐ gắn với du lịch tâm linh. Bên cạnh đó, Đề án cũng phân ra 04 cụm du lịch theo yếu tố thuận lợi về giao thông, vị trí địa lý và tương đồng về tài nguyên và sản phẩm du lịch: Cụm du lịch thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy; Cụm du lịch thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ; Cụm du lịch huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy; Cụm du lịch huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A.
Một góc Vườn măng cụt 100 năm tuổi. Ảnh: Toàn Nguyễn.
Để du lịch cộng đồng tại Hậu Giang được phát triển bởi người dân và phục vụ lợi ích của người dân địa phương. Khắc phục những nhược điểm: tính tự phát, phục vụ thiếu chuyên nghiệp, khả năng quản lý kém, sản phẩm kém hấp dẫn, thiếu kỹ năng kinh doanh, tiếp thị, điều hành và sẽ tạo được sự gắn kết hiệu quả giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Từ đó, Đề án đã đưa ra một số giải pháp thực hiện, cụ thể sau: Giải pháp về nâng cao nhận thức xã hội; Giải pháp chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh doanh DLCĐ; Giải pháp về nâng cao khả năng tiếp cận điểm đến DLCĐ; Giải pháp về nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến DLCĐ; Giải pháp về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DLCĐ và định hướng khởi nghiệp DLCĐ; Giải pháp xây dựng và kết nối tuyến điểm du lịch với các mô hình DLCĐ; Giải pháp tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu; cảnh quan, bảo vệ môi trường; quản lý an ninh trật tự; Giải pháp xây dựng hệ thống quản lý, công cụ quản lý DLCĐ tỉnh; Giải pháp xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, phần mềm hướng dẫn, quảng bá DLCĐ; Giải pháp xây dựng bộ sản phẩm DLCĐ và các phương án xây dựng mô hình DLCĐ tại tỉnh Hậu Giang.
Với tổng mức nhu cầu vốn để triển khai thực hiện Đề án là 32,610 tỷ đồng. Trong đó: Vốn ngân sách giai đoạn 2023 - 2025: 5,885 tỷ đồng; Vốn huy động giai đoạn 2023 - 2025: 2,275 tỷ đồng; Vốn ngân sách giai đoạn 2026 - 2030: 14,575 tỷ đồng; Vốn huy động giai đoạn 2026 - 2030: 9,875 tỷ đồng.
Trong tổ chức thực hiện Đề án, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh) là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố cùng các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện Đề án.
Văn Đạt