Ngày 11 tháng 10 năm 2023, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND về việc phát triển du lịch đường thuỷ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Tàu du lịch trên kênh xáng Xà No. Ảnh: Bích Ngân.
Kế hoạch hướng tới mục tiêu phấn đấu đến năm 2024 khai thác du lịch đường thuỷ tuyến kênh xáng Xà No, đầu tư xây dựng 01 bến tàu và phát triển 02 tàu phục vụ khách du lịch; phấn đấu giai đoạn 2025 – 2030: xây dựng 02 bến tàu, liên kết với các địa phương như: Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Cà Mau.
Nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch đường thuỷ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là phát triển các sản phẩm du lịch gồm 3 tuyến chính: tuyến du lịch kênh xáng Xà No (tuyến du lịch đường thuỷ nội ô thành phố Vị Thanh, kết hợp tham quan các điểm du lịch lân cận dọc kênh xáng Xà No); tuyến sông Cái Côn gắn với chợ nổi Ngã Bảy (tham quan chợ nổi Ngã Bảy và các điểm du lịch trên tuyến như: các vườn cây trái, homestay Miệt Vườn, di tích Ủy ban liên hợp đình chiến Nam bộ, làng nghề truyền thống, khu du lịch sinh thái Mùa Xuân…); tuyến gắn với sông nước miệt vườn, bảo tồn cảnh quan đặc trưng sông nước dọc Sông Hậu (có Cảng Hậu Giang nằm ở Khu công nghiệp Sông Hậu, được quy hoạch bờ trái luồng Định An - Cần Thơ, đoạn từ rạch Cái Cui đến rạch Cái Côn, tận dụng lợi thế đường sông dọc sông Hậu và các nhánh nhỏ như sông Mái Dầm và Ngã Sáu để phát triển du lịch đường thủy)...
Tàu phục vụ khách tham quan ở Ngã Bảy. Ảnh: Thành Trung.
Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang cũng tập trung đầu tư, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ các tuyến đường thuỷ, đầu tư, nâng cấp bến thuỷ nội địa tại thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, huyện Châu Thành A. Xây dựng nhà chờ tại bến tàu, chỉnh trang đô thị ven kênh, sông, trang trí, tạo cảnh quan dọc theo 02 bên bờ các tuyến du lịch đường thuỷ; Xây dựng sản phẩm dịch vụ phục vụ du lịch như đầu tư nâng cấp các khu, điểm du lịch để kết hợp khai thác đưa vào các tour du lịch đường thuỷ, phát triển câu lạc bộ đờn ca tài tử, tôn tạo và phát huy các di tích văn hoá lịch sử, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, phát triển đội tàu, thuyền phục vụ nhu cầu tham quan trên sông.
Ngoài ra, theo Kế hoạch đề ra nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến điểm đến, sản phẩm du lịch mới, quảng bá, giới thiệu du lịch đường thủy trên các nền tảng ứng dụng công nghệ số, phối hợp với các đơn vị lữ hành kết nối tour, tuyến du lịch đường thuỷ; Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch đường thuỷ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ phục vụ trên tàu, thuyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức về du lịch đường thuỷ cho cộng đồng cư dân tham gia làm du lịch...
Theo dự kiến kinh phí để thực hiện kế hoạch là 58,572 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước; nguồn xã hội hoá và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Văn Đạt