Cùng với các lĩnh vực khác, thành phố Vị Thanh đang tập trung cho du lịch, từng bước khai thác tiềm năng, thu hút đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, tạo sự khác biệt và sẽ đẩy mạnh khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Bờ kè Xà No sẽ là một sản phẩm du lịch được kỳ vọng thu hút của thành phố Vị Thanh. (Ảnh chụp trước thời điểm thực hiện Chỉ thị số 08 của Chủ tịch UBND tỉnh) Ảnh: Trung Quân.
Động lực để du lịch phát triển
Năm 2020, UBND thành phố Vị Thanh phê duyệt Đề án Phát triển du lịch thành phố Vị Thanh đến năm 2025, tầm nhìn 2030, phù hợp với các Nghị quyết Đề án phát triển du lịch tỉnh trong giai đoạn này. Thành phố xác định, du lịch là một phần quan trọng của nền kinh tế, có tác động qua lại với các ngành kinh tế khác. Từ đó, việc phát triển du lịch không chỉ bó hẹp trong phạm vi thành phố Vị Thanh mà trong bối cảnh chung của tỉnh Hậu Giang, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Đề án đề ra mục tiêu phát triển đến năm 2025: Sẽ tạo dựng hình ảnh điểm đến, thương hiệu mang đặc trưng riêng của thành phố Vị Thanh; gắn du lịch với gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch đa dạng, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, những giải pháp phát triển du lịch đã được đề ra, trong đó tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, Nhân dân hiểu về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội.
Việc đầu tư hạ tầng du lịch cũng được tập trung: Đến năm 2025, phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch: Bến tàu khách, trạm lên xuống xe khách ở trung tâm, bến xe dành cho xe chở khách ở khu vực công viên Hòa Bình, khu chợ đêm trung tâm thương mại - dịch vụ thành phố, cầu đi bộ nối phường I và phường IV… Hiện tại, ngòai việc đang từng bước hoàn thiện hạ tầng du lịch, khu Chợ đêm Trung tâm thương mại thành phố đã khởi động, tạo động lực cho nhà đầu tư cùng vào cuộc với những dự án phát triển du lịch khác mà thành phố đang kêu gọi đầu tư ở lĩnh vực này.
Để hiện thực hóa đề án lớn, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển du lịch từng năm, để tập trung có trọng tâm, trọng điểm. Ông Lưu Văn Dủ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: “Ngoài việc tuyên truyền sâu rộng để các ngành, các cấp hiểu để cùng đồng lòng với thành phố, chúng tôi còn kêu gọi đầu tư, xúc tiến du lịch, tạo cho các doanh nghiệp đang triển khai các dự án khai thác nhà hàng, khách sạn, chợ đêm, công viên giải trí… trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; tổ chức 2 cuộc thi dưới hình thức video clip và ảnh nghệ thuật về Vị Thanh”.
Thành phố cũng tập trung xây dựng, khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng tăng khả năng cạnh tranh, chuyên nghiệp, an toàn, văn minh, thân thiện, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc…
Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch
Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch là điều tất yếu trong khai thác du lịch. Thời gian qua, thành phố Vị Thanh đã từng bước hoàn thiện một số sản phẩm để phục vụ du khách, trong đó tập trung cho sản phẩm du lịch cộng đồng Vùng khóm Cầu Đúc, xã Hỏa Tiến. Để sản phẩm này thành công, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp sức, không chỉ hướng dẫn địa phương, người dân hiểu cách làm du lịch, còn tạo điều kiện để người dân tham gia các lớp tập huấn về du lịch cộng đồng, tổ chức hội thảo, hội nghị tọa đàm với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, đầu tư du lịch, đơn vị kinh doanh lữ hành; tổ chức cho các doanh nghiệp lữ hành khảo sát để có thể kết nối tua tuyến.
Bà Trang Kiều Diễm, hộ kinh doanh du lịch cộng đồng ở Vùng khóm Cầu Đúc, chia sẻ: “Gia đình tôi được hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, được trang bị những kiến thức hay để làm du lịch. Tôi cũng bắt đầu thấy yêu thích và tập làm những món ăn đặc trưng từ khóm để giới thiệu với du khách. Khi chưa có dịch bệnh, nhà tôi cũng đã có các đoàn khách tới tham quan rẫy khóm, ăn uống tại đây. Đây là niềm vui để chúng tôi tiếp tục làm du lịch tại nhà”.
Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ: “Những sản phẩm du lịch của thành phố Vị Thanh có thể khai thác khá đa dạng, gồm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực… Thời gian qua, chúng tôi đã hỗ trợ chuyên môn và tạo nhiều điều kiện để thành phố khai thác tiềm năng và phát triển du lịch. Việc xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng ở Vùng khóm Cầu Đúc cũng như mời các đơn vị lữ hành đến khảo sát tuyến kênh xáng Xà No, mời gọi các nhà đầu tư tìm hiểu các dự án du lịch trên dịa bàn thành phố… Những phần việc này sẽ được tiếp tục trong thời gian tới, để từng bước tạo mọi điều kiện chuyên môn cần thiết, giúp trung tâm tỉnh lỵ định hình và đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch mang nét riêng để thu hút du khách”.
Với sự quyết tâm cao, bằng một đề án, kế hoạch dài hạn và từng năm để thực hiện, có sự giám sát, kiểm tra và đánh giá kết quả, để phát huy thế mạnh, khắc phục kịp thời những khó khăn, hạn chế, du lịch thành phố đang hứa hẹn sẽ phát triển đột phá trong thời gian tới.
Hơn 185 tỉ đồng thực hiện đề án về phát triển du lịch thành phố Tổng kinh phí để thực hiện Đề án Phát triển du lịch thành phố Vị Thanh đến năm 2025, tầm nhìn 2030, là hơn 185 tỉ đồng, trong đó đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch 170 tỉ đồng, phát triển sản phẩm du lịch là trên 10 tỉ đồng, đầu tư phát triển nguồn nhân lực là 3 tỉ đồng và xúc tiến, quảng bá trên 2 tỉ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và các nguồn xã hội khác. Thành phố sẽ phân kỳ đầu tư: giai đoạn 2020-2021 là trên 69 tỉ đồng, giai đoạn 2021-2025 là 11 tỉ đồng và giai đoạn 2026-2030 là 105 tỉ đồng. |
Nguồn: Vĩnh Trà - Báo Hậu Giang