Làng nghề đóng ghe xuồng

Làng nghề đóng ghe xuồng
Ngày đăng: 05/07/2021 04:27 PM

    Từ thuở xưa làng nghề ghe, xuồng Ngã Bảy đã trở thành thương hiệu nổi tiếng gần, xa nhưng giờ đây dấu ấn của xóm nghề truyền thống chỉ còn trong tâm hồn mỗi cư dân sông nước.

    Chưa có tài liệu hay nhân chứng nào khẳng định nghề đóng ghe, xuồng ở Ngã Bảy hình thành từ lúc nào. Đầu tiên có vài ba hộ cất trại ngay đầu Doi Cát, ngay trung tâm Ngã Bảy, dần dần lan ra nhiều hộ cất trại, trở thành xóm ghe xuồng. Nghề đóng ghe xuồng ăn nên làm ra cùng với sự phát triển phồn thịnh của Chợ nổi Ngã Bảy. Một trong những trại ghe, xuồng đầu tiên của nơi đây là của ông Ba Cư, ông Ba Phương, ông Chín Lớn, ông Bảy Thép, ông Sáu Cựu,… Trong số này, có hộ truyền nghề đến đời cháu, chắt, tồn tại cho đến ngày nay.  

    Cửa hàng ghe, xuồng ở Ngã Bảy. Ảnh: Lê Dũng.

    Các trại ghe, xuồng Ngã Bảy chuyên sản xuất là xuồng 5 lá, xuồng 3 lá, các loại ghe nhiều trọng tải từ loại nhỏ 20 giạ đến 25 giạ (400 - 500 kg) cho đến 250 giạ (5 tấn) có khả năng vận chuyển đường xa, trên sông lớn. Mặt hàng được bán chạy nhất là xuồng “năm quăng” vì nó được nghiên cứu thích nghi, phù hợp với nhà nông trong sản xuất, chăm sóc, thu hoạch lúa hoặc đánh bắt cá đồng và để làm "đôi chân" di chuyển đây đó. Thời trước, gỗ tốt còn nhiều nên người đặt đóng ghe đều đòi các loại gỗ chịu nước như cây sao, cây sến, thấp lắm cũng là cây dầu núi. Từ thập niên 80 đến nay, gỗ tốt tăng giá từ đó, dầu vườn, mù u được dùng đóng ghe, thậm chí người ta sử dụng cả cây xoài, hay các loài cây tạp làm nguyên liệu nên còn gọi là ghe, xuồng "năm quăng", nghĩa là chỉ cần xài một thời gian ngắn là quăng luôn không sửa chữa gì nữa.

    Cơ sở đóng ghe, xuồng. Ảnh: Phương Khánh.

    Những năm qua, làng nghề đóng ghe, xuồng ở Ngã Bảy giảm dần độ sung túc, do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là: nguồn nguyên liệu gỗ hạn chế, cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều loại phương tiện giao thông thủy, bằng vật liệu nhựa tổng hợp. Người làm nghề cho biết sản lượng những năm gần đây đều giảm, báo hiệu nghề truyền thống thủ công này có nguy cơ mất dần. 

    Ghe, xuồng không chỉ là phương tiện mà còn là một nét văn hóa độc đáo của người dân vùng sông nước, giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống - là bảo tồn nét văn hóa độc đáo của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hy vọng trong tương lai làng nghề truyền thống này sẽ được phát triển để khi du khách đến với Hậu Giang thì đây là một điểm tham quan lý tưởng, thú vị.

    Bài: Ngọc Giàu