Cho đến lúc chạm vào sông Sài Gòn trong ánh nắng chiều lấp lánh bừng lên sau cơn mưa đầu mùa mới cảm nhận là vừa tạm biệt sông nước Hậu Giang để về phố. Và nhớ, nhớ đến the thắt thương, nhớ đến thao thiết tình.
Mà lạ, chuyến đi này không là háo hức khám phá kênh rạch chằng chịt, không là rợn ngợp cảm giác sông nước mênh mông bát ngát, không là xôn xao ngắm những cây cầu dây văng bắc qua sông Tiền sông Hậu nối hai bờ yên ả thanh bình, không là ngọt thơm những vườn trái chín mùa tròn trặn cả giấc mơ, những đồng lúa mê mải xanh non đến cuối trời. Cả hành trình giống như một giai điệu ngân vang rồi lắng đọng, để vấn vít quấn níu hình như đã để lại dòng Hậu Giang, để lại Lung Ngọc Hoàng một tương tư xanh mênh mang của rừng cây ngập nước.
Cá thể cò ốc tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.
“Lung” trong cách nói của người miền Tây chỉ vùng đất ngập nước và có nhiều cây, cá, chim, thú... Chưa ai rõ cái tên Lung có từ thuở nào, tương truyền xưa kia, nơi đây được mệnh danh là “vùng đất chết”, nước ngập quanh năm, cỏ dại mọc cao trải rộng ngút ngàn, chằng chịt dây leo, mênh mông hoang vắng, đi lạc vào vùng này khó có thể tìm được lối ra, cư dân quanh vùng gọi là Lung “Trời sanh”, lâu ngày được đổi thành “Ngọc Hoàng” cho thêm phần kính cẩn.
Lung Ngọc Hoàng là tên gọi một vùng trũng, ngập nước nổi tiếng nằm lọt giữa hai xã Phương Bình và Phương Phú thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cách thành phố Cần Thơ chừng 40km về phía Đông Nam sông Hậu.
Theo nhà văn Sơn Nam, thì Lung này là một vùng đất thấp, trũng, hoang vu đầy lau sậy, người Pháp gọi là đồng sậy - Plaine des Roseaux... Truyền thuyết dân gian cho rằng, cách cả ngàn năm trước, nơi đây có nhiều đàn voi (tượng) di chuyển, kiếm ăn từ nơi này sang nơi khác, những bầy voi đi làm lún đất, sụt lở, tạo thành những lung, bưng, vũng, mương, bàu, lạch.
Theo sách “Địa chí Cần Thơ” - 2003, khoảng trên 120 năm về trước, đã có người đến khai khẩn Lung Ngọc Hoàng, và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ, Lung Ngọc Hoàng trở thành căn cứ cách mạng của Huyện ủy Long Mỹ và Phụng Hiệp, một số cơ quan của tỉnh và của Khu ủy Tây Nam bộ.
Lung Ngọc Hoàng trải dài từ phía Tây sông Hậu đến tận vùng U Minh, di sản cuối cùng của hệ sinh thái tự nhiên được đánh giá đa dạng sinh học và sinh cảnh, là “lá phổi xanh” rất quan trọng đối với môi trường sống của toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long với diện tích rừng nguyên sinh rộng 2.800ha, bảo tồn đa dạng hệ sinh thái độc đáo.
Năm 2008, Cục Kiểm lâm đã đưa Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng xếp vào khu bảo tồn loài hay còn gọi là khu dự trữ tự nhiên và khu bảo tồn loài sinh cảnh, là vùng đất tự nhiên được thành lập nhằm mục đích đảm bảo diễn thế tự nhiên. Cuối năm 2008, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam đã đề xuất thành lập dự án “Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng dựa vào sự tham gia của cộng đồng”. Đến năm 2002, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đã chính thức được thành lập.
Nhớ câu chuyện ba má kể ngày kháng chiến chống Pháp xưa, y như nghe cổ tích xa ngái, Lung tôm cá rùa rắn chim cò nhiều vô kể, “chim trời cá nước” là đây, như của Trời cho không bao giờ cạn kiệt... Đẩy ghe qua mương, xẻo nhỏ, những chàng tôm “cụ” bị đánh thức, giật mình phóng rơi vô ghe, có lúc cả vài chục con càng xanh biếc mình trong khe, còn khi nước lớn, bỏ vài bó chà (củi nhánh nhỏ) và nhận chìm xuồng, nước rút ròng, cá tôm trốn trong chà, ở lại trên ghe nhóc luôn.
Rồi thi thoảng đốt đồng, rùa rắn bị nóng, bò, chạy vướng bẫy, lưới, bắt cơ man không hết lại thả bớt ra. Còn trứng chim cò “vô thiên lủng”, lượm dưới các gốc cây, không cần phải hốt ổ, chiều xuống, hàng đàn bay về Lung, không lấy nón đội thì trắng đầu phân chim rớt. Từ xưa, Lung Ngọc Hoàng đã nổi tiếng là một “rún cá”, “vựa rắn”, “sân chim” của miền Tây sông Hậu.
Và thật, một cái Lung Ngọc Hoàng, không quá dài, rộng, sâu, nhưng chứa cả một gia tài sản vật giàu có quý hiếm trên chim trời, dưới cá nước và rừng cây bạt ngàn, như một cái kho Trời ban chứa đầy bảo vật thiên nhiên không chỉ cho riêng cư dân vùng này, mà còn là những nguồn gen tàng trữ quý giá trong sinh quyển trái đất.
Theo thống kê, trong Lung có đầy đủ hệ thực vật thuộc hệ sinh thái đất ngập nước, trên 330 loài, 224 chi, 92 họ, có 56 loài mới phát hiện với những quần thể rất đa dạng như các loài dây choại mọc dưới gốc hoặc trên thân tràm, lau, lác, sậy, bồng bông..., cùng khá nhiều loài cây trên cạn như: Trâm sắn, ngái lông, gáo trắng, mua, gừa, đủng đỉnh,... hay dưới nước như: Lục bình, súng, sen, rau muống nước… Hệ động vật ở Lung khá giàu có và phong phú, gồm trên 200 loài thuộc các lớp bò sát, chim, thú và loài lưỡng cư. Trong đó 5 loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở quy mô toàn cầu như: dơi chó, chồn mực, cáo mèo, rái cá, rái móng, nổi bật nhất là rái cá lông mũi và rùa nắp, rắn hổ mang nằm trong sách đỏ thế giới; 10 loài bò sát, đặc biệt có rắn mái gầm, rắn cạp nong…;
135 loài chim nước trong đó có 9 loài quý hiếm được đưa vào Sách đỏ Việt Nam như: bạc má, giang sen, già đẫy, cà cuốc, cò ốc, cò lạo xám, ác là, le le khoang cổ, nhiều nhất là vạc với mỗi bầy đến hàng ngàn con…, đặc biệt 2 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng: Cổ rắn và quắm trắng; 77 loài thủy sản trong đó tiêu biểu có nhiều loài quý hiếm như: Càng đước, cua đinh, rùa vàng, rùa nắp, ếch giun, cá còm, cá trê trắng…, đặc biệt cá thát lát cườm đã trở thành đặc sản nổi tiếng ở Hậu Giang.
Cho dù là vào giấc gần trưa, Lung Ngọc Hoàng nắng thật chói gắt, cái nắng cuối mùa khô vàng mật sóng sánh đậm đặc, như cố tình phả sự nóng rát trêu ngươi những vị khách lần đầu tới đây, giống như thử thách tình yêu với Lung có chân tình có tha thiết có đằm sâu, có đến rồi tương tư mà quay trở lại quấn quýt... Chiếc tắc ráng len lỏi qua con mương, lách nhẹ qua con ngòi trong Lung, cho chúng tôi thả mình vào một không gian miền rừng ngập nước hoang dã xanh mênh mang biêng biếc.
Du khách tham quan Lung Ngọc Hoàng.
Xanh từ dập dềnh thảm lục bình như bám víu níu kéo, cho chiếc tắc ráng chòng chành chầm chậm thận trọng rẽ con đường nước, để không thể lướt nhanh mà nhạt tình với cánh lục bình. Xanh từ những rừng cây tràm xòe bộ rễ rậm rịt ngâm trong nước, ngọn vươn thẳng vời vợi trời cao, cành vươn ra lòa xòa xoắn xuýt đầy những dây choại mướt mát xanh non, ngang qua nghe gió thoảng hương hoa phủ thơm cả khúc Lung. Xanh từ hàng chục loài cây vừa kỳ lạ vừa quen thuộc dọc hai bên bờ nước khe khẽ kín đáo rung nhẹ mắt lá như vẫy chào, như lưu luyến, như thầm trao gửi thông điệp “xin đừng quên tôi”…
Có chút nao nao xao xác khi ngắm những cụm hoa mua tím rịm đẹp rực rỡ, mà sao thật hư ảo diệu vợi trong cô đơn xanh của Lung. Có chút chênh chao thênh thang buồn khi ngắm những cây bần trái non chi chít trên cành giống những viên ngọc bích khổng lồ hờ hững soi bóng xuống Lung. Có chút thắt ruột thương nhành lan trắng mỏng manh lắt lẻo vắt trên um tùm xanh một cây cổ thụ. Có chút bần thần hoang vắng thương cái ánh hồng như ngọn lửa nhỏ của vài bông súng lạc mình trong đám lau sậy lao xao…
Ờ độ cao gần 20m, trên cái tháp chim nằm giữa Lung Ngọc Hoàng, tha hồ thả dài ánh nhìn bốn hướng, là mênh mang chân trời với bạt ngàn xanh của từng thảm cây rừng tầng tầng lớp lớp, một màu xanh ngọt đến mê mải trải dài tít tắp. Trên những thảm xanh mướt mát đó chấp chới trắng cánh chim chao liệng tao tác cả ngọn gió đùa trong Lung...
Đứng ở độ cao này, trong tiếng gió lộng ào ào, trong ánh sáng gần như cực đại của mặt trời châu thổ Mekong gần giữa trưa, phóng tầm mắt tự do không một quãng vướng, chỉ có cánh chim trời nghiêng mềm thanh bình xa xa, khép hờ mắt, thở một hơi dài no đầy căng tràn lồng ngực, cảm giác như được tiếp năng lượng từ không gian thanh khiết, tâm hồn nhẹ bẫng trong cảm xúc như được thanh lọc bằng tinh khôi của màu xanh rừng Lung Ngọc Hoàng.
Rời khỏi Lung, màu xanh như một quyến rũ ngọt ngào.
Về phố, mới thấm cái tương tư xanh mênh mang.
Ừ, sẽ là một hò hẹn trở lại, không, là trở về, được sà vào vòng tay tình nhân, để lại được đắm mình trong mê mải đam mê xanh.
Hoài Hương - Báo Hậu Giang