Trong khuôn khổ Giải marathon quốc tế “Vietcombank Mekong delta” lần V, Hậu Giang tổ chức 2 hội thi ẩm thực, với mong muốn giới thiệu sản vật quê hương, kết nối phát triển du lịch; tạo cơ hội cho nghệ nhân, đầu bếp được giao lưu, học hỏi.
Những món bánh quen thuộc nhưng khiến thực khách lưu luyến được trưng bày tại Hội thi Bánh dân gian.
Đậm đà hương vị quê mình
Hội thi Bánh dân gian tỉnh Hậu Giang đã trở thành thường lệ, được tổ chức cứ 2 năm/lần, là cơ hội cho các nghệ nhân làm bánh dân gian trong tỉnh tranh tài, trổ tài khéo léo của mình, giữ gìn và phát huy các món bánh dân gian rất đỗi quen thuộc, gần gũi.
Năm nay, hội thi thu hút 21 đội với 63 nghệ nhân làm bánh dân gian đến từ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Các nghệ nhân chọn những món bánh mang đậm hương vị quê nhà, gởi gắm vào đó tình yêu quê hương hồn hậu. Bánh bò, bánh chuối, bánh ít trần, bánh da lợn, bánh xèo, bánh khọt… qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã trở nên rực rỡ sắc màu với hương vị đậm đà, khó quên.
Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng ban Tổ chức Hội thi, cho biết: “Hội thi đã trở nên quen thuộc với các nghệ nhân làm bánh dân gian và người dân trong tỉnh. Các nghệ nhân rất tâm huyết với nghề bánh truyền thống, luôn nỗ lực làm mới, sáng tạo để những món bánh trở nên hấp dẫn, đẹp hơn, ngon hơn nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống. Đây chính là sự thành công, là niềm vui và hạnh phúc của những người tổ chức. Không chỉ tổ chức hội thi để các nghệ nhân thi thố, Hậu Giang còn tạo điều kiện để các nghệ nhân tham gia cuộc thi làm bánh cấp khu vực, tạo cơ hội để giao lưu, kết nối và giới thiệu đặc sản quê hương”.
Nâng tầm “Hương sắc Hậu Giang”
Hội thi ẩm thực “Hương sắc Hậu Giang” được tổ chức lần đầu vào năm 2019. Khi đó, Ban tổ chức quy định các đầu bếp phải thực hiện các món ăn từ cá thát lát và khóm Cầu Đúc, hai đặc sản làm nên thương hiệu riêng của Hậu Giang.
Lần tổ chức này, Ban tổ chức mở rộng để các đầu bếp được thoải mái sáng tạo trên các nguyên liệu là đặc sản của Hậu Giang cũng như ĐBSCL, để tạo sự đa dạng, phong phú cho các nguyên liệu, làm nên những món ăn ấn tượng.
38 đội đến từ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, cùng 4 đội đến từ các nhà hàng, khách sạn của Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Cần Thơ và Bạc Liêu tranh tài, đã tạo nên những sắc màu ấn tượng. Chị Nguyễn Thị Ngọc, đầu bếp đến từ xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Tôi thật sự vui khi được tham gia hội thi lần này, cùng các đầu bếp chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh. Chỉ là người thích nấu nướng, tôi đã tự nghiên cứu để có thể chế biến những nguyên liệu rất gần gũi từ những sản vật của quê mình. Tôi được học hỏi rất nhiều, nhất là từ các đầu bếp chuyên nghiệp, để tự rút ra cho mình những bài học hữu ích”.
Ông Nguyễn Lộc, Chủ tịch Liên chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL, Tổng Giám đốc Trường Đào tạo nghề Ẩm thực Western Cần Thơ, Trưởng ban Giám khảo, đánh giá: “Các đầu bếp đã trình diễn những món ăn đặc sắc, có sự đầu tư chu đáo. Từ đó, chất lượng của từng món ăn rất ngon. Các đầu bếp còn thể hiện sự chuyên nghiệp của mình, tạo nên sự độc đáo riêng, khi không chỉ đầu tư chất lượng món ăn mà còn trang trí rất ấn tượng. Sự chuyên nghiệp và không chuyên đã được kéo gần lại rất nhiều”.
Đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ các đầu bếp trong tỉnh đã ngày càng đông và quan tâm đến việc nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn để có thể sáng tạo nên những món ăn ngày càng ngon và đẹp mắt hơn. Từ những nguyên liệu sẵn có, qua bàn tay khéo léo, sự sáng tạo và nỗ lực làm mới không ngừng, đã giúp họ từng bước nâng cao tay nghề, góp phần nâng tầm ẩm thực quê hương.
Hội thi Bánh dân gian, Ban tổ chức trao giải nhất cho đội của nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Huyên (huyện Châu Thành), giải nhì cho đội của nghệ nhân Trần Thị Hiếu (huyện Châu Thành A) và nghệ nhân Giang Diễm Quỳnh (thành phố Vị Thanh); giải ba cho đội của nghệ nhân Nguyễn Thị Thanh Thúy (huyện Châu Thành), Nguyễn Thị Diễm My (huyện Phụng Hiệp) và Nguyễn Thị Ánh Xuân (huyện Long Mỹ).
Vĩnh Trà - Báo Hậu Giang