Ngày 07/6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã ký Quyết định số 1015/QĐ-UBND ngày 07 tháng 6 năm 2021 về việc Phê duyệt Đề án du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng với diện tích khoảng 2.800 ha, nằm trên địa bàn của huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Theo Đề án phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được xác định là trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh và có khả năng trở thành khu du lịch quốc gia giai đoạn đến năm 2030.
Dựa trên nghiên cứu của các nhà khoa học, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Với 5 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở quy mô toàn cầu như: dơi Chó, chồn Mực, cáo Mèo, rái Cá, rái Móng, nổi bật nhất là rái Cá lông mũi và rùa Nắp, rắn Hổ mang nằm trong Sách đỏ thế giới; 10 loài bò sát trong đó tiêu biểu có loài rắn Mái gầm, rắn Cạp nong…; 135 loài chim nước trong đó có 9 loài quý hiếm được đưa vào Sách đỏ Việt Nam như: Bạc má, Giang sen, Già đẫy, Cà cuốc, cò Ốc, cò Lạo xám, Ác là, Le khoang cổ, nhiều nhất là Vạc với mỗi bầy đến hàng ngàn con...
Đàn cá lóc non trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Ảnh: Lê Dũng.
Với mục tiêu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học gắn với việc khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng một cách hợp lý để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết lập các tuyến du lịch sinh thái, tạo dựng các điểm đến hấp dẫn làm cơ sở đưa Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là trung tâm du lịch lớn của Tỉnh, là khu du lịch quốc gia giai đoạn đến năm 2030. Bên cạnh đó, Đề án được phê duyệt sẽ là tiền đề để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê môi trường rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng lập dự án đầu tư du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đảm bảo phù hợp các quy định của pháp luật. Không những thế, Đề án còn chú trọng giáo dục cho mọi người ý thức bảo vệ môi trường; thực hiện chính sách chia sẻ lợi ích đối với người dân địa phương, gắn với phát triển du lịch sinh thái, tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân vùng đệm thông qua các dự án phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đề án nêu rõ các sản phẩm du lịch được định hướng phát triển rất cụ thể, bao gồm sản phẩm theo hướng truyền thống (Du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên gắn với hệ động thực vật; Du lịch vui chơi giải trí; Du lịch gắn với bản sắc địa phương; Ẩm thực, mua bán sản phẩm lưu niệm,…) và các sản phẩm theo hướng độc đáo (Du lịch “con đường Tràm”; Du lịch trải nghiệm, khám phá “thuần thiên nhiên”; Du lịch nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường; Du lịch trải nghiệm kết hợp dịch vụ sản xuất; Du lịch trải nghiệm, mạo hiểm; Du lịch tuần trăng mật; Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái; Ẩm thực; Mua bán sản phẩm lưu niệm,…).
Một góc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng nhìn từ đài quan sát. Ảnh: Lê Dũng.
Trên cơ sở tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và định hướng phát triển, Đề án đã chỉ ra 03 Phân khu chức năng chính: Phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt (1.015,94 ha); Phân khu Phục hồi sinh thái (937,11 ha); Phân khu Hành chính dịch vụ (8,75 ha). Với các tuyến du lịch nội khu, gồm: (1) Trung tâm Điều hành đón tiếp - Hệ sinh thái đất ngập nước - Điểm du lịch sinh thái Lung Sen - Lung Lớn - Mô hình canh tác nông nghiệp; (2) Trung tâm Điều hành đón tiếp - Hệ sinh thái rừng tràm - Điểm nuôi động vật bán hoang dã - Điểm giáo dục môi trường - Điểm du lịch sinh thái Lung Sen - Lung Lớn; (3) Trung tâm Điều hành đón tiếp - Hệ sinh thái rừng tràm - Điểm câu cá - Khu vui chơi giải trí - Khu lâm viên - Mô hình canh tác nông nghiệp và (4) Khu nghỉ dưỡng sinh thái.
Đề án được xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 370 tỷ đồng được phân kỳ trong hai giai đoạn: Giai đoạn I (2021 – 2025) khoảng 353 tỷ đồng và giai đoạn II (2026 – 2030) khoảng 17 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn ngân sách và nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, hộ gia đình và nguồn thu từ việc cho doanh nghiệp thuê dịch vụ môi trường rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch sinh thái.
Có thể nói, Đề án du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng sau khi được triển khai sẽ là cơ sở vững chắc khai thác hiệu quả tiềm năng, tận dụng tốt các cơ hội phát triển; đưa du lịch trở thành ngành có đóng góp đáng kể cho Phụng Hiệp nói riêng và tỉnh Hậu Giang nói chung, giúp đa dạng hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
Bài: Bích Ngân