Tuần lễ Du lịch với Văn hóa và Ẩm thực tỉnh Hậu Giang, diễn ra từ ngày 29-12-2023 đến 2-1-2024, đã hoàn thành mục tiêu đề ra là tổ chức chuỗi hoạt động tạo sinh khí vui tươi, phấn khởi chào mừng 20 năm thành lập tỉnh, vừa quảng bá sản phẩm du lịch Hậu Giang từ văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực.
Chương trình nghệ thuật “Tình anh bán chiếu” là show diễn kỳ vọng thực hiện định kỳ và thu hút khách du lịch. Ca diễn, dàn dựng thực cảnh là cách làm mới ở Hậu Giang. Ảnh: Đại Phúc.
Ẩm thực tạo điểm nhấn
15 gian hàng ẩm thực bày bán vài chục món ngon mang đậm nét riêng của vùng ĐBSCL nói chung, Hậu Giang nói riêng. Đến các gian hàng này, mọi người được thưởng thức những món bánh dân gian gần gũi, đậm vị quê nhà.
Qua bàn tay của nghệ nhân, các món bánh ngon hơn, đẹp mắt hơn, cải tiến, nâng tầm bằng việc kết hợp nhiều nguyên liệu, tạo nên một loại bánh độc đáo, lạ mắt. Lần nào Hậu Giang có tổ chức hoạt động ẩm thực, là nghệ nhân Phạm Văn Phúc, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp lại hào hứng tham gia. Anh rất chịu khó sáng tạo, thêm những hương vị riêng của Hậu Giang vào trong các loại bánh. Từ đó những món bánh gian hàng của anh lúc nào cũng thu hút khách. Nghệ nhân Phạm Văn Phúc chia sẻ: “Tôi nghiên cứu để làm món bánh bắp hấp, bánh bò chuối, bánh cúng, bánh ống, bánh da lợn sử dụng màu tự nhiên từ rau củ. Tôi còn thử và nhận được phản hồi tốt từ người yêu thích ẩm thực là món bánh mặn có trộn cá thát lát vào trong bột, tạo nên hương vị đặc trưng”.
Sự khéo léo, sáng tạo và luôn muốn mang đến những món ăn ngon, đẹp và lạ đã từng bước góp sức đưa ẩm thực tỉnh nhà vươn tầm. Từ đó, Hậu Giang đã tập trung khai thác, quảng bá và đã có 3 món ăn lập kỷ lục Việt Nam là 100 món ăn từ khóm, 100 món ăn từ cá thát lát và 200 loại bánh làm từ gạo, nếp...
Các gian hàng ẩm thực thu hút nhiều lượt khách. Ảnh: Đại Phúc.
Ngoài các gian hàng ẩm thực, các huyện, thị, thành phố đều góp vào một gian trưng bày, giới thiệu tiềm năng du lịch, sản phẩm OCOP của địa phương. Mỗi gian hàng có hơn 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP tiêu biểu của các địa phương được trưng bày. Đây là sự cần thiết để quảng bá, giới thiệu sản phẩm một cách hiệu quả. Bà Lê Thị Ngọc Thu, Giám đốc HTX Thanh Tú, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Hợp tác xã chuyên đan thủ công từ lục bình. Mỗi chiếc giỏ trên dưới 100.000 đồng, nên mỗi lần được tham gia các gian hàng, bán được rất khá. Nhưng đây không phải là mục tiêu chính, chúng tôi tới đây để mong muốn tìm kiếm, kết nối để sản phẩm của mình đi xa hơn, mang lại giá trị thiết thực, giúp người dân có thu nhập ổn định”.
“Tình anh bán chiếu” kỳ vọng nâng tầm thành sản phẩm du lịch mới
Để tạo điểm nhấn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên và làng nghề truyền thống, ẩm thực, đặc sản của địa phương gắn với phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mạnh dạn thực hiện chương trình nghệ thuật với hình thức hoạt cảnh, tái hiện hình ảnh Chợ nổi Ngã Bảy cũng như những nét văn hóa đặc sắc của Hậu Giang nói riêng và miền Tây Nam bộ nói chung trong chương trình nghệ thuật “Tình anh bán chiếu”.
Cảnh chính sân khấu được ý tưởng chủ đạo từ biểu tượng Chợ nổi Ngã Bảy và hình ảnh logo du lịch Hậu Giang với 7 cánh hoa, cho 7 chiếc thuyền tượng trưng cho 7 nhánh sông. Có chiếc ghe bầu ở giữa, xung quanh có hàng chục chiếc thuyền chở trái cây qua lại tái hiện cảnh chợ nổi xưa.
Toàn cảnh chương trình nghệ thuật được sân khấu hóa trên bến dưới thuyền, tái hiện Chợ nổi Ngã Bảy làm nền cho bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” nổi tiếng với tính chất mộc mạc, duyên dáng. Chương trình nghệ thuật sử dụng hình thức sân khấu hóa với một số tiết mục và theo thủ pháp thực cảnh được cấu trúc liên hoàn.
Chợ nổi Ngã Bảy được tái hiện làm nền cho bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” nổi tiếng. Ảnh: Đại Phúc.
Chương trình được dàn dựng gọn gàng, nhưng chuyển tải khá tròn thông tin du khách cần về sự ra đời của một bài hát gắn với địa danh, sản phẩm du lịch nổi tiếng.
Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết, “Tình anh bán chiếu” được kỳ vọng để trở thành một chương trình đặc biệt, mang đậm nét riêng của du lịch Hậu Giang để quảng bá, phục vụ du khách trong thời gian tới. Cách làm du lịch phát huy từ nét văn đặc sắc của địa phương qua những câu chuyện kể, qua lăng kính nghệ thuật để có những show diễn nhỏ, tầm dưới 1 giờ đồng hồ, để phục vụ du khách, là mới và lạ với Hậu Giang, một tỉnh đang từng bước tập trung đầu tư phát triển du lịch.
Hậu Giang đã làm rất nhiều cách, từ việc định hướng đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch đến việc quảng bá, xúc tiến... Việc xây dựng câu chuyện du lịch, từ những nét riêng của từng địa phương để thu hút du khách là một trong những cách làm đang được quan tâm, để phát huy giá trị văn hóa, tạo nét riêng thu hút du khách.
Vĩnh Trà - Báo Hậu Giang