Hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam hiện nay được xây dựng và phát triển theo định hướng của Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặc biệt là các sản phẩm du lịch chủ đạo: Du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị.
Đà Nẵng là điểm đến lý tưởng để tổ chức du lịch MICE.
Để có được một ngành công nghiệp du lịch MICE chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế và phát triển bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội cần có sự quan tâm và nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp và của cả cộng đồng.
Định hướng phát triển thị trường và sản phẩm
Việc phát triển du lịch MICE có liên quan tới việc phát triển tất cả các sản phẩm du lịch trên, trong đó đặc biệt gắn với du lịch đô thị và du lịch golf. Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm du lịch đô thị tại các thành phố lớn sẽ thúc đẩy phát triển du lịch MICE, kết hợp mua sắm, các loại hình vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, dịch vụ giải trí về đêm, tìm hiểu văn hóa, thưởng thức ẩm thực và đời sống đô thị. Đại diện Công ty du lịch Vietravel cho biết: “Du lịch MICE sẽ là một hướng mở của du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19. Mặc dù trong thời điểm dịch Covid-19 nhiều lần bùng phát và được kiểm soát, trong năm 2020, Vietravel đã phục vụ gần 210.000 lượt khách MICE với một số đoàn có quy mô hơn 1.000 khách. Nếu dịch bệnh ở TP.HCM và các tỉnh, thành không bùng phát như hiện nay, dự kiến năm 2021 công ty sẽ phục vụ khoảng 385.000 lượt khách MICE”.
Trên thế giới, du lịch MICE mang lại nguồn lợi đáng kể cho các quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển. Nhiều quốc gia thu hút du lịch MICE không chỉ nhờ vẻ đẹp cảnh quan mà còn nhờ sự thuận tiện, dịch vụ phong phú, sản phẩm đa dạng. Theo dự báo của du lịch toàn cầu, đến năm 2025, riêng ngành công nghiệp du lịch MICE thu được trên 1.400 tỉ USD, trong đó hai khu vực lớn nhất là châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam đang nổi lên là điểm đến du lịch MICE hàng đầu khu vực. Theo Tổng cục Du lịch, trong tổng số 10 triệu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2016, ước tính có đến 20% là khách MICE. Trung bình mỗi khách du lịch MICE châu Âu chi tiêu 700 - 1.000 USD/ngày, khách châu Á chi tiêu hơn 400 USD/ngày. Lượng khách MICE ở các công ty lữ hành cũng tăng từ 10% đến 15% mỗi năm.
Cần phát triển đồng bộ
Để phát triển du lịch MICE, cần ưu tiên phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng và hạ tầng du lịch. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, dịch vụ và tiêu chuẩn chất lượng như khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị 5 sao để phục vụ du lịch MICE, đảm bảo bền vững môi trường. Việc đảm bảo tính bền vững đòi hỏi cả đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển cũng như tăng cường tiêu chuẩn chất lượng. Tăng cường năng lực kết cấu hạ tầng của Việt Nam để tránh tắc nghẽn giao thông và kết cấu hạ tầng dịch vụ như quản lý vệ sinh môi trường và chất thải để giảm thiểu các hậu quả tiêu cực đối với môi trường. Chất lượng kết cấu hạ tầng phải đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: “Phát triển du lịch MICE cũng cần chú trọng xây dựng hệ thống công trình văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cao cấp, công trình dịch vụ du lịch có tầm cỡ tại các đô thị, khu, điểm du lịch. Các địa phương phát triển du lịch MICE cũng cần có kế hoạch làm việc với Bộ GTVT, nêu những khoảng thiếu hụt trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh nâng cấp và mở rộng mạng lưới giao thông đường không, đường bộ, đường thủy đồng bộ, hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành giao thông vận tải”.
Muốn phát triển du lịch MICE chuyên nghiệp, bền vững cũng cần điều phối, quy hoạch điểm đến và phát triển sản phẩm. Khuyến khích các địa phương phát triển và xúc tiến sản phẩm du lịch MICE đóng góp vào sự đa dạng du lịch tại Việt Nam. Tăng cường liên kết với các ngành khác để làm mới sản phẩm du lịch. Bên cạnh du lịch nghỉ dưỡng mà nhiều khách du lịch lựa chọn, thúc đẩy mạnh mẽ hơn du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp địa phương, du lịch MICE và giải trí trong điều kiện đảm bảo an toàn, thích ứng với tình hình mới. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch MICE, tăng cường nâng cao trình độ, kỹ năng và thái độ phục vụ, đảm bảo tính chuyên nghiệp trong dịch vụ phục vụ khách. Các doanh nghiệp tăng cường phối hợp với cơ sở đào tạo để cải tiến chương trình giảng dạy phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp, bên cạnh đó nâng cao nhận thức của người lao động, rèn luyện, học tập, nâng cao tay nghề phục vụ đối tượng khách MICE.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Đề nghị Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ,TB&XH) tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, xem xét ban hành theo quy định của Luật Dạy nghề, gồm có: Nghề Quản trị du lịch MICE, nghề Quản trị Khu Resort và nghề Quản trị dịch vụ thể thao giải trí. Việc quảng bá xúc tiến du lịch MICE và khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông quốc tế vô cùng quan trọng. Khi dịch bệnh được kiểm soát, truyền thông quốc tế, xúc tiến quảng bá quốc tế sẽ góp phần tạo dựng hình ảnh thương hiệu cho du lịch Việt Nam là điểm đến hàng đầu của du lịch MICE trong khu vực và trên thế giới.
Phát triển du lịch MICE ở Việt Nam thời gian tới có rất nhiều cơ hội, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Do đó, cần đưa ra những chiến lược thu hút khách du lịch MICE trong giai đoạn sắp tới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có thể đón tiếp đối tượng khách này và tập trung vào một số thị trường trọng điểm cũng như một số địa phương có thể phát triển.
Nguyễn Anh, Chiến Thắng - Báo Văn Hóa