Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch

Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch
Ngày đăng: 08/02/2022 03:32 PM

    Đó là mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài mà huyện Phụng Hiệp đang hướng đến nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế nông nghiệp và du lịch nông thôn của địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

    Một góc trung tâm huyện Phụng Hiệp.

    Chính thức triển khai thời gian gần đây, nhưng Đề án phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (đề án) của Huyện ủy mở ra nhiều triển vọng phát triển cho vùng đất Phụng Hiệp trước thềm xuân mới. Bởi trên cơ sở lộ trình, mục tiêu cùng giải pháp thực hiện cụ thể, đề án bước đầu đã định hình phương thức canh tác mang lại chuỗi giá trị kinh tế cao, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp huyện nhà.

    Phát huy tiềm năng, lợi thế nông nghiệp

    Khép lại năm 2021, ngành nông nghiệp huyện có nhiều khởi sắc. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tiếp tục giúp cải thiện nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Chưa kể là phần lớn các mô hình chuyển đổi trong năm qua được thực hiện theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân hạn chế rủi ro khi thu hoạch.

    Huyện sẽ ưu tiên phát triển tiềm năng du lịch truyền thống gắn với các loại hình du lịch sinh thái, tham quan môi trường thiên nhiên sông nước trên địa bàn.

    Ngành nông nghiệp huyện còn phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tham gia mô hình kinh tế hợp tác; sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, đảm bảo nhu cầu thị trường tiêu thụ. Nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao cũng được tập trung xây dựng, giúp nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm đặc trưng (OCOP), đảm bảo đúng định hướng phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch trên địa bàn huyện.

    Hiện toàn huyện có 17 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao và 3 sao thuộc các chủ thể là Hợp tác xã Kỳ Như, Công ty TNHH nuôi trồng chế biến thực phẩm sạch Tân Phát, Cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây, Hợp tác xã Hậu Giang Yên Bình An, Cơ sở sản xuất trà mãng cầu xiêm Hồng Đoan. Các sản phẩm còn được huyện hỗ trợ đưa đi xúc tiến thương mại, giới thiệu nhiều nơi nên sản lượng bán ra tăng từ 30-40% so với thời điểm chưa công nhận.

    Trong số đó, Hợp tác xã Kỳ Như là chủ thể xây dựng thành công với nhiều sản phẩm chế biến từ cá thát lát đang được người tiêu dùng đón nhận, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như, cho rằng: “Trước đây, các sản phẩm chưa được công nhận OCOP thường rất khó bán. Mình đem đi chào hàng ở các siêu thị đôi khi người ta cũng không mặn mà. Thế nhưng sau khi được công nhận OCOP thì tự dưng họ tìm đến mình”.

    Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết trên cơ sở bám sát mục tiêu, giải pháp phát triển của đề án, năm qua, ngành tiếp tục quan tâm xây dựng mới, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả như trồng măng tây, nấm bào ngư, nấm rơm trong nhà lưới, nuôi lươn và các mô hình tưới tiết kiệm nước cho vườn bưởi da xanh, sầu riêng, mít... đã giúp người dân cải thiện thu nhập đáng kể trên cùng diện tích đất canh tác.

    “Trước ảnh hưởng lớn của dịch bệnh nhưng sản xuất nông nghiệp phát triển tương đối ổn định; năng suất, chất lượng một số sản phẩm cây trồng, vật nuôi chuyển biến tích cực; dần hình thành vùng canh tác hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Một phần là nhờ huyện tiếp tục quan tâm tổ chức sản xuất, hỗ trợ hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn an toàn, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP”, ông Tuấn nhấn mạnh.

    Xây dựng tiền đề phát triển du lịch

    Đáng ghi nhận là huyện có hệ thống sông ngòi chằng chịt, vườn trái cây, sinh vật hấp dẫn, không khí trong lành nên thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giữ vai trò trung chuyển du khách đi tỉnh bạn bằng các tour liên kết. Ước tính mỗi năm, thông qua các điểm tham quan hiện có như Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng, vườn tre, cây di sản Lộc Vừng... đã thu hút hơn 24.000 lượt du khách đến với địa phương.

    Phát huy lợi thế đó, huyện sẽ ưu tiên phát triển tiềm năng du lịch truyền thống gắn với các loại hình du lịch sinh thái miệt vườn, tham quan môi trường thiên nhiên sông nước. Trước hết là tổ chức thực hiện mục tiêu phát triển du lịch sinh thái trên tuyến vào Khu du lịch Mùa Xuân, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng kết nối các di tích lịch sử văn hóa hiện có, tạo thành tour du tịch trải nghiệm hấp dẫn trên địa bàn huyện đối với du khách gần xa.

    Ông Phạm Văn Thế, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, cho hay, tới đây, đơn vị sẽ phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Đồng thời, phối hợp triển khai xây dựng điểm dừng chân, tham quan vùng nuôi cá thát lát kết hợp mua sắm quà tặng từ các sản phẩm OCOP; phát triển các làng nghề phục vụ du lịch như nuôi ong mật trong rừng tràm, vót đũa và bán các sản phẩm từ mật ong, đũa tre...

    Huyện cũng sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, bố trí nguồn nhân lực học tập, tham quan những nơi phát triển nông nghiệp gắn với du lịch để đúc kết kinh nghiệm và chuyển đổi lao động nông nghiệp, nông thôn sang dịch vụ, du lịch. Cùng với đó, chú trọng phát huy tiềm năng thiên nhiên, xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa ẩm thực đậm nét vùng đồng bằng sông Cửu Long.

    Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy, bên cạnh việc xác định những sản phẩm du lịch, ẩm thực đặc trưng của địa phương, huyện sẽ quan tâm củng cố một số hợp tác xã sản xuất, chế biến nông, thủy sản để làm nền tảng liên doanh, liên kết với các tour du lịch nông nghiệp. Về vấn đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, huyện chủ động phối hợp với tỉnh tạo quỹ đất và có chính sách giao đất sạch cho một số dự án trọng tâm, trọng điểm về phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn.

    “Khi du lịch phát triển sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Mặt khác, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tài nguyên thiên nhiên; quảng bá hình ảnh con người Hậu Giang nói chung, Phụng Hiệp nói riêng. Vậy nên, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các loại hình dịch vụ, du lịch trên địa bàn”, ông Nguyễn Văn Vui khẳng định.

    Thông qua những giải pháp cùng lộ trình thực hiện cụ thể sẽ tạo đà vững chắc, không chỉ từng bước vực dậy tiềm năng kinh tế nông nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ, du lịch huyện nhà ngày càng phát triển.

    Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy phụng hiệp:

    Tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp

    - Với định hướng đa mục tiêu, Đề án phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong việc chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao; từ năng suất lao động thấp sang năng suất lao động khoa học công nghệ; từ số lượng sản phẩm sang chất lượng, giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm. Qua đó tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của nông nghiệp và du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.

     

    An Châu - Báo Hậu Giang