Cây lộc Vừng có tên khoa học Barringtonia Acutangula Gacrtn. Cây mọc tự nhiên trên phần đất của ông Lê Văn Đính, thuộc ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Cây lộc Vừng có chiều cao khoảng 22m, chu vi gốc 4.6m, đường kín 1.5m và tán rộng gần 100 mét vuông, cây có tuổi đời trên 300 năm. Trước đây cây có 3 thân do ảnh hưởng bom đạn chiến tranh nên thân cây chính đã chết, hiện nay cây chỉ còn 2 thân nhánh cùng bộ rễ mọc tách rời nhau khoảng 30 cm, thân cây hiện tại phát triển tốt.
Cây Di sản – Cây Lộc Vừng. Ảnh: V.Đạt.
Giá trị về mặt văn hóa, lịch sử: Địa danh cây Vừng gắn liền với thời kỳ khai hoang lập ấp vùng đất Nam bộ mà người dân thường gọi là Rạch cây Vừng, thuộc ấp Long Hòa B, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Ngày nay địa danh cây Vừng vẫn còn nguyên giá trị, nét đặc trưng riêng và niềm tự hào của mọi người dân nơi đây. Về mặt tâm linh người dân trong vùng rất tín ngưỡng và lập Miếu thờ tại gốc cây này, hằng năm vào dịp rằm tháng 3 âm lịch, người dân trong và ngoài tỉnh đều tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh giá trị tinh thần do cây Vừng mang lại, cầu cho cuộc sống an lành, no đủ.
Với giá trị và tuổi đời như vậy, ngày 11/04/2017. Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi Trường Việt Nam, ký Quyết Định số 68/QĐ-HMTg công nhận “Cây lộc Vừng là cây di sản văn hóa Việt Nam”.
Nằm trên tuyến QL1, kết nối với khu vui chơi giải trí Kittyd and Minnied và khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng, hiện nay địa điểm Cây lộc Vừng là nơi đón tiếp nhiều đoàn khách tham quan trọng và ngoài tỉnh, là điểm tham quan về nguồn cho học sinh, sinh viên và là điểm đến không thể bỏ qua khi du khách có dịp đến Hậu Giang.
Bài: Ng. Ánh