Hậu Giang có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch xanh, loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Trên thế giới nói chung, tại Việt Nam trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Hậu Giang nói riêng, du lịch xanh cũng đang dần dần chiếm ưu thế so với các loại hình truyền thống khác và trở thành xu hướng được du khách quan tâm và lựa chọn.
Khu du lịch sinh thái Mùa Xuân. Ảnh: Do đơn vị cung cấp.
Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, vườn trái cây, sinh vật hấp dẫn, không khí trong lành thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp,du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Ngay từ khi bắt đầu hành trình vào tỉnh Hậu Giang, du khách đã cảm nhận các giá trị xanh Hậu Giang. Từ cảnh quan thiên nhiên đến văn hóa truyền thống đặc sắc; ẩm thực phong phú; con người thân thiện, hiếu khách… có thể nói du lịch xanh Hậu Giang có đủ nguyên liệu cần thiết để tạo nên sự hấp dẫn riêng có.
“Du lịch xanh” tại Bảo Gia Farm. Ảnh: Do đơn vị cung cấp.
Nghề trồng trầu Hậu Giang. Ảnh: Lý Anh Lam.
Từ định hướng trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng như định hướng "Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường" của chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", Hậu Giang đang khẩn trương xây dựng “Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, xác định tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức; định hướng phát triển du lịch cộng đồng theo hướng đột phá, bền vững, gắn kết và phát huy tiềm năng, thế mạnh để xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, du lịch xanh đúng nghĩa. Việc này khẳng định Hậu Giang mong muốn phát triển du lịch xanh bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội " và du lịch xanh Hậu Giang đã có các hành động kịp thời đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Vùng du lịch cộng đồng Khóm Cầu Đúc. Ảnh: Lý Anh Lam.
Tuy nhiên, hình thành, triển khai và phát triển đúng chất du lịch xanh không dễ và cũng không phải ngày một ngày hai là có thể hoàn thiện. Không phải chỉ gắn mác “xanh” vào kế hoạch, chương trình, sản phẩm, truyền thông là du khách thật sự được hưởng hành trình xanh, dịch vụ xanh, trải nghiệm xanh đúng nghĩa. Như vậy, du lịch Hậu Giang cần làm gì cụ thể ? Chúng tôi, từ thực tiễn tại Việt Nam và có khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng như qua nghiên cứu các hình thức du lịch bền vững trên thế giới, xin mạnh dạn đề xuất một số việc cần làm ngay:
1/ Xác định giá trị của du lịch xanh với các chủ đề bền vững trong các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, vận chuyển, lữ hành, khu du lịch qua việc tham khảo Bộ tiêu chí Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành làm công cụ đánh giá, quản lý công tác bảo vệ môi trường.
2/ Tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về du lịch xanh - du lịch bền vững, không chỉ cho điểm đến, cộng đồng làm du lịch mà còn cho cả cộng đồng địa phương và du khách.
3/ Nâng cao năng lực quản lý của địa phương từ việc quy hoạch, bảo tồn văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên đến việc hạn chế các công trình, dự án ảnh hưởng môi trường và di sản.
4/ Nâng cao trình độ chuyên môn của cộng đồng làm du lịch hướng tới các giá trị xanh.
5/ Xây dựng và triển khai các sản phẩm du lịch xanh khả thi, hấp dẫn và hiệu quả. Có thể tham khảo cách làm của Thái Lan khi khai thác các hòn đảo hoang sơ, các nhà đầu tư du lịch ký cam kết cùng bảo tồn thiên nhiên tại đảo Koh Chan, chỉ khai thác các phương tiện vận chuyển thô sơ như thuyền chèo hay các cơ sở lưu trú bằng vật liệu thân thiện môi trường. Hay như quần đảo Maldives với việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm lượng khí thải carbon, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt và hệ thống hứng, thu gom nước mưa, hệ thống phân loại và tái tạo rác. Tại Việt Nam, Đà Nẵng tiên phong trong việc xây dựng các chương trình du lịch bảo vệ môi trường với trải nghiệm tái tạo rác thải, hoặc các tỉnh miền núi phía Bắc phát triển loại hình du lịch cộng đồng góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương.
6/ Quảng bá, truyền thông để lan tỏa các chương trình du lịch xanh, sản phẩm du lịch xanh, điểm đến xanh đến du khách Việt Nam và quốc tế.
7/ Tăng cường kết nối giữa các tỉnh thành để học tập, chia sẻ kinh nghiệm và gia tăng giá trị của du lịch xanh Việt Nam.
Phát triển du lịch xanh là chìa khóa để du lịch Hậu Giang bền vững, có trách nhiệm và tạo thành điểm nhấn thu hút du khách.
Phan Yến Ly