Ngành Du lịch tìm hướng thúc đẩy thị trường nội địa, tạo động lực khôi phục du lịch Việt Nam trong tình hình mới

Ngành Du lịch tìm hướng thúc đẩy thị trường nội địa, tạo động lực khôi phục du lịch Việt Nam trong tình hình mới
Ngày đăng: 23/04/2021 09:52 PM

    Ngày 15/4/2021, tại TP. Ninh Bình, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Sở Du lịch Ninh Bình tổ chức Diễn đàn du lịch nội địa toàn quốc 2021 với chủ đề “Du lịch nội địa - Động lực khôi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới”.

    Bộ trưởng bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn (Ảnh: TITC)

    Tham dự diễn đàn có Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh; Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình; và gần 600 đại biểu là đại diện cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các địa phương; các tổ chức xã hội nghề nghiệp về du lịch; các doanh nghiệp du lịch hàng đầu trong cả nước và các cơ quan truyền thông báo chí.

    Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh đây là thời điểm cần tìm cách tiếp cận mới, các doanh nghiệp cần thay đổi để tạo động lực phát triển du lịch, bắt đầu từ khách du lịch nội địa. Cần chú ý khai thác thị trường khách nội địa tiềm năng với gần 100 triệu dân, đặc biệt cần đổi mới các sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của khách nội địa. Trong đó, các doanh nghiệp du lịch cần xác định khả năng cung ứng dịch vụ đáp ứng được đến đâu... Đối với địa phương, cần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để có nhiều cơ hội thu hút đông du khách nội địa. Các doanh nghiệp và địa phương cần chung tay kết nối, lấy du lịch nội địa làm ấm lại thị trường du lịch.

    Về kế hoạch hành động, theo Bộ trưởng cần tập trung nghiên cứu thị trường khách nội địa, xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, bền vững hơn. Đồng thời tập trung vào công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá khơi gợi nhu cầu của khách, nắm bắt cơ hội từ những đánh giá cao của truyền thông quốc tế về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam. Bên cạnh đó, cần phải gắn liền du lịch với phát triển văn hoá, tập trung xây dựng văn hoá ở từng điểm du lịch, tạo ấn tượng tốt cho du khách về những vùng đất giàu bản sắc văn hoá.

    Bộ trưởng nhấn mạnh các doanh nghiệp du lịch là sẽ lực lượng nòng cốt, tiên phong trong việc thúc đẩy thị trường du lịch nội địa phát triển mạnh mẽ, lan toả rộng khắp cả nước. Bộ trưởng khẳng định, Bộ VHTTDL sẽ luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

    Bộ trưởng cũng đánh giá cao tiềm năng du lịch của tỉnh Ninh Bình với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn du khách. Ninh Bình là địa phương được Chính phủ chọn đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2021. Đây là sẽ động lực lớn để tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh phát triển du lịch hơn nữa.

    Diễn đàn tập trung thảo luận 2 nội dung chính: Vai trò ý nghĩa tầm quan trọng của du lịch nội địa trong bối cảnh “bình thường mới” trước mắt và lâu dài, các chính sách vĩ mô về phát triển du lịch nội địa; Các giải pháp về xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, triển khai xúc tiến du lịch nội địa, đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở đáp ứng nhu cầu, sở thích của khách du lịch Việt Nam và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp du lịch.

    Về định hướng phát triển du lịch nội địa trong tình hình mới, ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch cho biết, các định hướng phát triển du lịch phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng môi trường, hài hòa với tự nhiên, tôn trọng văn hóa địa phương, bản sắc vùng miền, chủ động ứng phó với dịch bệnh mới nổi, phát triển du lịch theo hướng bền vững.

    Trong thời gian tới cần tập trung tiếp tục kiến nghị các Bộ ngành, Chính phủ và triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đề xuất cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm số tiền ký quỹ, điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất, giảm thuế suất VAT, kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất…

    Tiếp tục đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, tăng cường truyền thông các thông điệp “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, tuyên truyền về tiêu chí an toàn, sức khỏe, xu hướng du lịch các điểm đến gần nhà và các chuyến đi ngắn ngày…

    Đối với sản phẩm du lịch, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đa dạng hóa loại hình dịch vụ, mở rộng đối tượng khách hàng, phát triển mạnh các sản phẩm du lịch chủ đạo. Ngoài ra cần chú trọng vấn đề liên kết, liên kết hợp tác giữa các địa phương, bộ, ban, ngành và doanh nghiệp xây dựng, hoàn thiện các cơ chế đối thoại công - tư…

    Các đại biểu dự Diễn đàn (Ảnh: TITC)

    Đồng thời tập trung thúc đẩy thí điểm mô hình kinh tế ban đêm tại các thành phố trung tâm, làm tiền đề để đa dạng hóa, gia tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm, dịch vụ du lịch, thúc đẩy chi tiêu của du khách về đêm.

    Đại diện Tổng cục Du lịch cũng nhấn mạnh cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch, phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên website và các mạng xã hội (www.vietnamtourism.gov.vn, Youtube, Facebook, Zalo…).

    Tại diễn đàn, nhiều tham luận, ý kiến đã được các đại biểu chia sẻ và trao đổi, xoay quanh những vấn đề quan trọng như: nhu cầu, xu hướng của khách du lịch nội địa trong và sau dịch Covid-19; Chuyển đổi số trong du lịch và đào tạo nhân lực du lịch. Đối với vấn đề phát triển sản phẩm du lịch mới cho du lịch nội địa, các đại biểu đã đề xuất đẩy mạnh các sản phẩm du lịch teambuilding, du lịch MICE, du lịch sức khỏe kết hợp thể thao… phù hợp với từng đối tượng khách nội địa.

    Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Ninh Bình - Vietnam Airlines; Vietnam Airlines - Doanh nghiệp Xuân Trường; VISTA - Sở Du lịch Ninh Bình; 4 Hiệp hội Du lịch: Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ; Hiệp hội Du lịch Ninh Bình - Câu lạc bộ Du lịch MICE Việt Nam.

    Nguồn:  vietnamtourism.gov.vn